Nguyên tắc Vàng chọn thuốc bổ cho người thận yếu

Bệnh thận là “kẻ giết người thầm lặng” và có thể tác động không tốt đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, người mắc bệnh thận giai đoạn cuối là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả. Vậy làm thế nào để làm chậm tiến triển của bệnh? Cùng tham khảo 8 nguyên tắc vàng bảo vệ thận dưới đây.

1. Duy trì vận động

Việc làm này giúp duy trì cân nặng lý tưởng của cơ thể, giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Thông điệp “On the move for kidney health” (Hãy vận động vì sức khỏe của thận) xuất phát từ cuộc diễu hành trên toàn thế giới của mọi người dân, những người nổi tiếng và những vận động viên chuyên nghiệp dưới hình thức đi bộ, chạy bộ hoặc đua xe đạp. Bạn có thể tham gia chung với họ – bằng bất kỳ hình thức nào thông qua trang web của World Kidney Day (Ngày Thận Thế Giới).

Chạy bộ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính

Ngoài ra, theo National Kidney Foundation, còn có nhiều hình thức tập luyện mà bạn có thể áp dụng như chơi một số môn thể thao (tập aerobic, bơi lội, đi bộ đường dài, leo núi), hoặc đơn giản hơn là làm một số công việc nội trợ trong nhà.

2. Ăn uống lành mạnh

Đây là cách phòng ngừa đái tháo đường, bệnh tim và những bệnh lý đi kèm với bệnh thận mạn hiệu quả. Ngoài ra, cân nặng và huyết áp cũng được duy trì ổn định.

Khuyến cáo nên giảm lượng muối ăn <5g/ngày (khoảng 1 muỗng cà phê). Thực phẩm hàng ngày của chúng ta luôn có một hàm lượng muối nhất định. Để giảm lượng muối ăn hàng ngày, hãy hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm ăn tại hàng quán, nhà hàng và quan trọng là không nên thêm muối vào thức ăn. Bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được lượng muối khi tự chế biến thức ăn từ những nguyên liệu tươi sống.

3. Kiểm tra lượng đường trong máu

Khoảng 50% dân số đái tháo đường không biết rằng họ bị bệnh lý này. Chính vì vậy, bạn cần kiểm tra lượng đường trong máu và xem đây như một hoạt động kiểm tra cơ thể thường xuyên. Điều này rất quan trọng cho những người ở độ tuổi trung niên trở lên. Khoảng 50% dân số đái tháo đường sẽ tiến triển đến bệnh thận mạn, nhưng điều này có thể được ngăn ngừa hoặc hạn chế nếu như đường huyết được kiểm soát tốt. Bạn cũng nên kiểm tra chức năng thận và xét nghiệm nước tiểu thường xuyên.

Đảm bảo huyết áp ổn định giúp hạn chế những tổn thương cho thận

4. Kiểm tra và theo dõi huyết áp

Tăng huyết áp có thể tổn thương đến thận, đặc biệt nếu kèm thêm một số yếu tố nguy cơ khác như đái tháo đường, tăng cholesterol và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, điều này có thể được ngăn ngừa hoặc hạn chế khi đường huyết được kiểm soát tốt.

Giá trị huyết áp ở người bình thường là 120/80 mmHg. Khi đo huyết áp vào 2 ngày khác nhau và giá trị huyết áp ≥ 140 mmHg (huyết áp tâm thu) và ≥ 90 mmHg (huyết áp tâm trương) thì bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn có bệnh tăng huyết áp (theo Tổ chức Y tế Thế giới).

Nếu giá trị huyết áp đo được đều ở mức cao và kéo dài, đặc biệt ở người trẻ, cần đến khám bác sĩ ngay để được tư vấn về các yếu tố nguy cơ, biện pháp thay đổi lối sống và thảo luận về việc điều trị thuốc để kiểm soát huyết áp.

Theo hướng dẫn của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ và Trường Môn Tim Mạch Hoa Kỳ năm 2017, cần kiểm soát huyết áp sớm bằng những biện pháp thay đổi lối sống và dùng thuốc để đạt giá trị huyết áp mục tiêu là 130/80 mmHg, thay vì là 140/90 mmHg như các khuyến cáo trước đây. Tuy nhiên, không phải mọi hiệp hội y khoa trên thế giới đều thống nhất với khuyến cáo này. Điều tốt nhất là bạn nên đến khám và tư vấn với bác sĩ.

5. Uống đủ nước

Uống nhiều nước hay uống ít nước đều tác động không tốt đến thận. Do đó, người bị thận nên uống đủ nước theo khuyến cáo để thận được khỏe hơn. Nó không chỉ giúp bù nước mà còn giúp cho việc lọc, đào thải chất cặn bã, độc tố trong cơ thể ra ngoài tốt hơn. Thông thường, lượng nước nhập trung bình của người khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu dễ chịu là khoảng 2 lít/ngày. Và lượng nước uống hàng ngày cần được điều chỉnh đối với người bệnh thận. Bạn có thể nhờ sự tư vấn với bác sĩ để biết được lượng nước tối ưu và cũng như cách uống nước sao cho phù hợp với cơ thể của mình.

Uống đủ nước giúp bảo vệ thận

6. Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm giảm lượng máu đến thận. Khi đó, thận sẽ không thể hoạt động bình thường. Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ ung thư thận khoảng 50%. Ngoài ra, điều này còn tác động xấu đến nhiều hệ cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là phổi và tim mạch. Nếu bạn không thể ngưng thuốc lá, bạn nên đến khám và tư vấn với bác sĩ để có lời khuyên thích hợp.

7. Không dùng thuốc kháng viêm hoặc thuốc giảm đau thường xuyên

Một số loại thuốc kháng viêm không chứa steroid hoặc thuốc giảm đau không cần kê toa (như Ibuprofen) có thể làm tổn thương thận nếu dùng thường xuyên.

Người bị bệnh về thận hoặc chức năng thận suy yếu, chỉ cần một vài liều cũng có thể làm ảnh hưởng đến chức năng thận. Nếu không chắc chắn, bạn cần đến khám và tư vấn với bác sĩ hoặc dược sĩ.

8. Kiểm tra chức năng thận

Những trường hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, tiền sử có người trong gia đình bị thận… có nguy cơ bị bệnh thận cao. Vì vậy, hãy kiểm tra chức năng thận càng sớm càng tốt để giúp phòng tránh hiệu quả các bệnh lý về thận và điều trị kịp thời.

Kiểm tra chức năng thận càng sớm càng tốt giúp phòng và điều trị bệnh thận hiệu quả

Lưu ý, bệnh nhân có bệnh thận, ghép thận và những bệnh lý nội khoa mạn tính, đặc biệt là nhóm bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo có nguy cơ rất cao nhiễm COVID-19 và có biến chứng nặng. Tuy nhiên, điều quan trọng để phòng ngừa bệnh lây lan là luôn rửa tay, vệ sinh thân thể và luôn làm theo các khuyến cáo, hướng dẫn của chính quyền và của cơ quan y tế địa phương.

Gọi điện thoại
0868.066.116
Chat Zalo
Bác sĩ tư vấn